Lịch sử Công_giáo_tại_Ba_Lan

Kể từ khi Ba Lan chính thức tiếp nhận Kitô giáo nghi lễ Latinh vào năm 966, Giáo hội Công giáo đã đóng một vai trò quan trọng về tôn giáo, văn hóa và chính trị tại quốc gia này. Ba Lan là quốc gia Công giáo nổi bật về văn hóa so với nước láng giềng Đức, đặc biệt là miền đông và miền bắc nước Đức, chủ yếu là tín hữu Tin Lành, và các quốc gia ở phía đông, nơi dân chúng theo Chính thống giáo. Trong thời kỳ áp bức của ngoại quốc đối với Ba Lan, Giáo hội Công giáo đóng vai trò là một tổ chức đấu tranh nhằm bảo vệ văn hóa Ba Lan trong cuộc đấu tranh giành độc lập và sự tồn vong của quốc gia. Ví dụ, tu viện Ba Lan ở Częstochowa, nơi chống lại thành công một cuộc bao vây trong cuộc xâm lược Ba Lan của Thụy Điển vào thế kỷ 17, đã trở thành một biểu tượng của sự kháng cự của quốc gia đối với việc bị xâm chiếm lãnh thổ. Việc thành lập chế độ cộng sản do Liên Xô kiểm soát hậu chiến tranh thế giới thứ II cho phép Giáo hội tiếp tục hoàn thành vai trò này, mặc dù các cáo buộc gần đây cho thấy có một số sự hợp tác nhỏ giữa giáo sĩ Công giáo Ba Lan và chế độ này.[4]

Mật nghị Hồng y tháng 10 năm 1978, chọn Hồng y người Ba Lan Karol Wojtyła trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II càng củng cố mối quan hệ giữa giáo hội và quốc gia. Các chuyến thăm của giáo hoàng đến Ba Lan đã làm sống lại tinh thần cho phe đối lập chống chế độ Xô Viết. Việc phong chân phước cho Gioan Phaolô II vào năm 2011 và tuyên thánh 3 năm sau đó càng làm tăng thêm niềm tự hào và niềm vui cho người dân Ba Lan. Vào năm 2013, Giáo hoàng Phanxicô đã tuyên bố rằng Ngày Giới trẻ Thế giới, tập hợp những người trẻ Công giáo lớn nhất thế giới, sẽ được tổ chức tại Kraków, Ba Lan vào năm 2016.

Vào năm 2013, một vụ bê bối lạm dụng tình dục trẻ em trong Giáo hội và sự phản ứng kém của Giáo hội Công giáo Ba Lan đã trở thành vấn đề được quan tâm.[5] Giáo hội Ba Lan chống lại yêu cầu bồi thường cho nạn nhân.[6]